Nhiều khó khăn trong phát hiện lao kháng thuốc

Lao kháng thuốc không chỉ là vấn đề sức khỏe mà còn là gánh nặng kinh tế. Tại Hà Tĩnh, nguy cơ tiềm ẩn lao kháng thuốc trong cộng đồng khá cao nhưng công tác phát hiện còn gặp nhiều khó khăn .

Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh đã áp dụng kỹ thuật GeneXpert-xét nghiệm chẩn đoán lao nhanh, lao kháng thuốc Rifampicin

Bác sỹ Nguyễn Đức Quảng - Trưởng khoa Nội 1, Bệnh viện Phổi tỉnh cho biết, nguyên tắc khi dùng thuốc chống lao là phải phối hợp liên tục từ 4-9 tháng, đồng thời, phối hợp ít nhất 2-3 loại thuốc để loại trừ khả năng kháng thuốc của vi khuẩn lao.

Tuy nhiên, thực tế, do tâm lý mặc cảm, giấu bệnh hoặc thiếu hiểu biết nên có rất nhiều bệnh nhân lao không tuân thủ nguyên tắc điều trị. Người bệnh tự ý ngưng dùng thuốc lao hay dùng thuốc không đúng và không đầy đủ. Một số bệnh nhân sau một thời gian uống thuốc thấy khỏe và không có triệu chứng gì, cho rằng, mình đã khỏi bệnh nên tự ý bỏ thuốc.

Ngoài ra, cũng có bệnh nhân bị khó chịu do tác dụng phụ của thuốc trong quá trình điều trị, nhưng không tái khám để điều chỉnh thuốc mà tự bỏ nửa chừng. Một số thầy thuốc đôi khi cũng vô tình gây ra lao kháng thuốc do cho thuốc không đủ liều lượng hoặc trong quá trình điều trị cho bệnh nhân nghỉ dùng thuốc lao để điều trị các tác dụng phụ quá lâu mà không theo dõi. Cũng có bệnh nhân uống thuốc không đều đặn, hay uống không đủ liều...

Tất cả các trường hợp trên đều tạo điều kiện thuận lợi cho vi trùng lao trở nên kháng thuốc. Có những bệnh nhân chỉ bị kháng thuốc ở mức độ ít nghiêm trọng, nhưng có những bệnh nhân kháng thuốc mức độ nặng hơn gọi là “lao đa kháng thuốc”, “lao siêu kháng thuốc”…

Bác sỹ Bệnh viện Phổi tỉnh theo dõi sức khỏe cho bệnh nhân

Theo bác sỹ Trương Hồng Lĩnh - Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh: Điều trị lao kháng thuốc rất phức tạp, tuy nhiên, bệnh viện cũng đã rất nỗ lực. Cuối năm 2015, Bệnh viện Phổi tỉnh áp dụng kỹ thuật Gene Xpert - xét nghiệm chẩn đoán lao nhanh, lao kháng thuốc Rifampicin. Kỹ thuật Gene Xpert giúp phát hiện vi khuẩn lao kháng thuốc Rifampicin, phát hiện lao đối với trường hợp số lượng vi khuẩn lao ít, cho kết quả nhanh sau 30 phút đến 2 giờ, độ chính xác cao. Đồng thời, được sự quan tâm của Sở Y tế, bệnh viện cũng đã xây dựng được buồng bệnh dành cho bệnh nhân lao kháng thuốc cách biệt. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là việc phát hiện bệnh nhân lao kháng thuốc.

Năm 2015, Bệnh viện Phổi tỉnh phát hiện 12 trường hợp lao kháng thuốc. Nhưng từ đầu năm 2016 đến nay, đơn vị chỉ phát hiện được 1 trường hợp. Bệnh viện cũng đã bỏ kinh phí hỗ trợ 80.000 đồng/mẫu đờm xét nghiệm từ các bệnh viện tuyến dưới gửi lên nhưng chưa có hiệu quả. Đến thời điểm này, mới có 3 đơn vị là Bệnh viện Đa khoa huyện Can Lộc, Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Hà và Trại giam Xuân Hà thực hiện gửi mẫu, còn lại đều chưa tham gia mặc dù bệnh viện đã có công văn gửi cho tất cả các cơ sở khám chữa bệnh.

Mắc lao kháng thuốc, mức độ nguy hiểm tăng gấp rất nhiều lần so với mắc lao thường. Bệnh nguy hiểm là vì vi khuẩn không chỉ kháng một loại thuốc mà nhiều loại thuốc chống lao khiến nguy cơ tử vong cao. Mặt khác, chi phí thuốc men điều trị lao kháng thuốc rất tốn kém, thời gian chữa trị kéo dài… khiến cuộc sống bệnh nhân khó khăn gấp bội. Điều đáng lo ngại nữa là nguồn lây về lao kháng thuốc hiện vẫn còn tiềm ẩn trong cộng đồng.

Các bác sỹ khuyến cáo, để hạn chế vi khuẩn lao kháng thuốc, người bệnh phải tuyệt đối chấp hành chỉ định điều trị của bác sỹ chuyên khoa và điều trị đến nơi đến chốn, đúng phác đồ. Đối với các cơ sở khám chữa bệnh trong toàn tỉnh, cần nâng cao trách nhiệm trong công tác phòng, chống lao nói chung và lao kháng thuốc nói riêng, tích cực phối hợp với bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh trong việc phát hiện lao kháng thuốc, giúp bệnh nhân biết bệnh để điều trị, từng bước hạn chế, tiến tới khống chế nguồn lây trong cộng đồng.

Theo: Báo Hà Tĩnh

Ý kiến phản hồi

Gửi ý kiến thành công!
remove Gửi ý kiến thất bại, xin thử lại!